KHAI MINH

Posted on 27/04/2010

0


[Đức: Aufklärung; Anh: enlightenment]. Xem thêm: Lương thức/Cảm quan chung, Triết học phê phán, Lịch sử Triết học, Công khai (tính), Lý tính

Hoàng Phú Phương dịch

Phong trào trí tuệ châu Âu thế kỷ 18 được biết như thời Khai minh đã trải qua 3 giai đoạn khác nhau ở Đức. Giai đoạn đầu, tức giai đoạn duy lý, được Thomasius khai mào ngay đầu thế kỷ tại trường Đại học Halle, và được Christian Wolff hệ thống hóa. Cả hai đều từ bỏ tiếng La tinh hàn lâm để ủng hộ cho tiếng mẹ đẻ, với việc Wolff cố làm cho những tác phẩm của ông vượt khỏi những khuôn khổ của các trường đại học và các giới chuyên nghiệp.

Hệ thống của ông bắt đầu với Lôgic học, và tiến hành thông qua siêu hình học đến đạo đức học, chính trị học và kinh tế học. Dưới áp lực chính trị từ vị quân chủ nước Phổ là Frederick William I, Wolff bị buộc phải rời nước Phổ năm 1723. Ông sống lưu vong, đó là thời gian mà ông đã viết lại hệ thống của ông, lần này là bằng tiếng Latinh cho khán giả quốc tế là những học giả. Với sự quay trở lại nước Phổ vào dịp Frededrick II lên ngôi năm 1740, Wolff có vẻ giống như một nhà trí thức đã quá thời. Tâm trạng của thời Khai minh đã thay đổi, giờ đây nhấn mạnh vào thuyết hoài nghi và lương thức hơn sự thực hành của lý tính trừu tượng. Vào giữa thế kỷ, rất ít triết gia viết về những hệ thống duy lý, sự ưa thích hơn được dành cho những bài luận “hoài nghi” hóm hỉnh vốn bắt chước theo những bài luận của Hume. Những trước tác tiền-phê phán của Kant rơi vào trong giai đoạn này của thời Khai minh, được minh họa bằng cuốn“Beobachtungen über das Gefühl des Schönen und Erhabenen” [Các quan sát về cảm xúc cái Đẹp và cái Cao cả] (1764) của ông. Tuy nhiên, trong “thập niên im lặng” 1770, Kant quay trở lại với triết học có hệ thống, chặt chẽ, đứng về phía Wolff để chống lại những người (kể cả bản thân ông thời trẻ) “không có mục đích nào khác hơn là muốn vứt bỏ hết các ràng buộc nghiêm ngặt của khoa học (PPLTTT B xxxvii). Với ấn phẩm cuốn PPLTTT năm 1781, ông đã mở đầu giai đoạn thứ 3 của thời Khai minh, tức giai đoạn tìm cách nối kết thuyết hoài nghi phê phán với sự nghiêm xác có hệ thống.

Trong lời tựa cho ấn bản I quyển PPLTTT, Kant mô tả thời đại của ông như một thời đại của sự phê phán; phê phán tôn giáo, chính trị học và thậm chí cả bản thân lý tính. Sự phê phán đòi hỏi phải đặt những niềm tin tôn giáo, chính trị và trí tuệ vào “sự kiểm nghiệm tự do và công khai” (PPLTTT A xii) để lại sự phán quyết cho “sự nhất trí của cộng đồng những người công dân tự do, trong đó ai ai cũng có thể phát biểu không chút ngần ngại mọi ý kiến thắc mắc và bất đồng của mình, thậm chí có cả quyền phủ quyết nữa” (PPLTTT A 739/ B 767). Trong bài viết “Beanwortung der Frage: Was is Aufklärung?” [“Trả lời cho câu hỏi: Khai minh là gì?”] (1784), ông đặc trưng “sự Khai minh” bằng những thuật ngữ tương tự. Khai minh được định nghĩa thời danh như “việc thoát khỏi sự không trưởng thành do tự mình chuốc lấy” hoặc như sự không có khả năng phán đoán mà không có sự hướng dẫn của người khác. Việc tự-thoát khỏi này có thể được đạt đến một cách ngoại lệ bởi các cá nhân, nhưng nổi trội hơn thì nó là công việc của một quần chúng biết sử dụng lý tính của mình một cách tự do. Quần chúng phải không quy phục sự hướng dẫn của tôn giáo, cũng không quy phục sự hướng dẫn của nhà nước, mà chỉ quy phục sự hướng dẫn của lý tính riêng của mình. Khẩu hiệu của Frederick II “Cứ việc lý luận đi, muốn lý luận bao nhiêu cũng được và về cái gì cũng được, nhưng phải tuân lệnh!” chỉ ra cho Kant thấy rằng ông sống, nếu không phải trong một “thời đại đã được khai minh”, thì cũng trong “một thời đại của / [đang được] sự khai minh”, một thời đại mà trong đó ít nhất một số trở ngại cho việc sử dụng tự do, công khai lý tính đã được loại bỏ.

Nhiều nhà phê bình đã xem sự mong muốn của Kant trong việc làm cho quan điểm của ông về sự khai minh thích hợp với nhà nước của Frederick như một luận cứ có sức mạnh chống lại triết học của ông. Tuy nhiên, trên nhiều phương diện, lập trường của ông là cực kỳ nhất quán, nhất là vì ông tin rằng sự tư do tư duy đã tạo ra năng lực hành động một cách tự do, trong khi điều ngược lại không tất yếu sẽ như vậy. Ông cũng phân biệt giữa trách nhiệm được thi hành khi ta sử dụng lý tính một cách tự do với trách nhiệm được thi hành khi chiếm giữ một “chức vụ” riêng, như trách nhiệm của vị giáo sĩ hay của người công chức: đối với Kant, cái đầu luôn có sự ưu tiên. Theo cách này, môi trường công khai của lý tính trở thành trường hợp cao nhất của sự phê phán, thậm chí nếu những phán đoán được tuyên bố trong môi trường ấy là không chính thống về mặt tôn giáo, hoặc “đưa ra sự phê phán thẳng thắn về sự lập pháp hiện hành” (KMLG, tr. 41, tr. 59).

Những lập luận xoay quanh nghĩa của sự Khai minh được Kant khơi gợi đã gây lên một tiếng vọng quan yếu trong thế kỷ XX, một tiếng vọng phần lớn được truyền cảm hứng bằng việc Nietzsche mở rộng một cách tàn nhẫn sự phê phán của thời Khai minh đối với chính bản thân lý tính. Lập luận này tiêu biểu trong phê phán của Adorno và Horkheimer về lý tính công cụ [technical] trongDialektik der Aufklärung [Biện chứng pháp của sự Khai minh] (1944), cũng như trong tác phẩm của các triết gia Pháp như Derrida (1967), Foucault (1984) và Lyotard (1983). Trong một cuộc luận chiến có ảnh hưởng, Jürgen Habermas trong Philosophische Diskurse der Moderse [Diễn ngôn triết học về tính Hiện đại](1985) đã cáo buộc những tác giả ấy là chống lại sự Khai minh. Tuy nhiên, có vẻ chính xác hơn nếu mô tả họ như những người đã được khai minh một cách tinh túy, khi khảo sát một cách công khai, những hệ luận của việc mở rộng xung lực phê phán của thời Khai minh đối với chính lý tính mang rõ nét tinh thần của Kant.

Hoàng Phú Phương dịch

Nguồn: Howard Caygill. 1995. A Kant Dictionary. Malden: Blackwell Publishing.

nguon:doxa.com.vn